Thứ Ba
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (năm II) 1 Sm 16, 1-13
"Samuel xức
dầu cho Ðavít trước mặt các anh em ngài; và Thánh Thần ngự xuống trên
ngài".
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Samuel rằng: "Ta đã
loại bỏ Saolê không cho cai trị Israel nữa, thế mà ngươi còn thương khóc
nó đến bao giờ? Ngươi hãy đổ dầu cho đầy bình và lên đường; Ta sai ngươi
đến nhà Isai dân thành Bêlem. Vì Ta chọn một người con của ông ấy lên
làm vua". Samuel thưa: "Làm sao mà đi được? Vì nếu Saolê hay biết việc
đó, ông sẽ giết con". Chúa nói: "Ngươi hãy tự tay bắt một con bê trong
đàn, và nói: 'Tôi đến để dâng lễ tế lên cho Chúa'. Ngươi sẽ mời Isai đến
để dự lễ tế, Ta sẽ tỏ cho ngươi biết việc phải làm, và sẽ chỉ cho ngươi
biết phải xức dầu cho ai?"
Vậy Samuel làm như lời Chúa dạy và đi đến Bêlem. Các vị
kỳ lão trong thành bỡ ngỡ chạy đến Samuel mà nói rằng: "Ông đem bình an
đến chăng?" Ông đáp: "Phải, bình an! Tôi đến để dâng lễ tế cho Chúa. Các
ông giữ mình thanh sạch và cùng tôi đến dâng của lễ". Vậy ông làm cho
Isai và con cái ông ấy được thanh sạch và mời họ đến dâng lễ tế. Khi
(họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: "Có phải người xức dầu của
Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?" Và Chúa phán cùng Samuel: "Ðừng
nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo
kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa
thì nhìn xem tâm hồn". Isai gọi Abinađab đến và dẫn đến trước mặt
Samuel. Samuel nói: "Cũng không phải Chúa chọn người này". Isai cho dẫn
Samma đến. Samuel lại nói: "Nhưng Chúa cũng không chọn người này". Isai
lần lượt đem bảy đứa con mình ra trình diện với Samuel. Samuel nói với
Isai: "Chúa không chọn ai trong những người này". Samuel nói tiếp: "Tất
cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?" Isai đáp: "Còn một đứa út nữa,
nó đi chăn chiên". Samuel nói với Isai: "Ông hãy sai người đi gọi nó về,
vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về". Isai sai người đi
tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt
đẹp. Chúa phán: "Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó".
Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần
Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88,
20. 21-22. 27-28
Ðáp: Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta (c. 21a).
Xướng: 1) Xưa trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy
tôi Chúa: "Ta đội mão triều thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người
được kén chọn tự trong dân. - Ðáp.
2) Ta đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh
của Ta cho người, để tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng
cố thân danh người. - Ðáp.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha tôi, là
Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ của tôi". Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử,
cao sang hơn các vua chúa ở trần gian. - Ðáp.
Alleluia: Ga
8, 12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian,
ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2,
23-28
"Ngày Sabbat
làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ
Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng:
"Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như
vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít
đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào
nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ
mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"
Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải
loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày
Sabbat".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Chủ Tể
Ngày Thứ Ba hôm
nay, trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người
Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý"
của chung Mùa Thường
Niên hậu Giáng Sinh được tỏ hiện ngay lời tuyên bố của Chúa Kitô
về chính bản thân Người
rằng: "Con
Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Thật thế,
câu tuyên bố này của Người xẩy ra trong trường hợp đưọc bài Phúc Âm hôm
nay thuật lại là "vào
một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt
lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: 'Kìa Thầy xem. Tại
sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?'".
Trong
câu
giải đáp của
mình cho lời trách móc hơn là vấn nạn của những người biệt phái bấy giờ, Chúa
Giêsu bề ngoài có
vẻ như biện minh cho hành động các môn đệ của Người làm khiến cho
các người biệt phái ấy ngứa cặp mắt
duy luật
của họ, thế nhưng
thật ra Người có ý bênh
vực tinh thần của lề luật để giúp
cho chính những người biệt phái ấy
thấy được tất cả sự thật về luật lệ mà họ thông thạo và hằng tuân thủ
một cách chặt chẽ và nghiêm chỉnh, nhờ đó họ có thể sống đẹp
lòng Thiên Chúa hơn.
Trước
hết, như
trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, Người đã dẫn chứng một trường hợp không được
phép làm mà vẫn được làm trong trường hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên
quan đến "điều mà Vua Đavít
làm khi
ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời
thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình
thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"
Sau
nữa, từ
trường hợp không được
phép làm mà vẫn được làm trong trường hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên
quan đến Vua Đavít ấy, Chúa Giêsu đã đi đến kết luật liên quan đến tinh thần của
lề luật là những gì trực tiếp liên hệ tới mục đích của lề luật như
sau: "Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho
nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Có nghĩa
là luật lệ được lập ra và ban bố là vì loài
người, để
phục vụ loài người như chủ nhân ông của nó, như là mục tiêu của
nó, hầu mang lại lợi ích thiêng liêng cho họ, giúp họ thăng tiến, vươn
lên, được cứu độ, chứ không phải để hủy diệt họ, khiến họ bị mất tự do,
biến họ trở thành nô lệ lề luật, khi lề
luật không
còn thuần túy là
một phương
tiện cho họ mà
là cùng đích của con người, nhất là đối với thành phần duy luật, thành
phần cần phải được giải cứu cho khỏi cảnh làm nô lệ cho lề luật, nhờ bởi "Con
Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat", như Người làm cho họ trong bài Phúc Âm hôm nay.
Những gì "cũ" kỹ được
Chúa đề
cập đến trong bài Phúc Âm hôm qua có liên quan mật thiết đến những gì
Người nói về lề luật trong bài Phúc Âm hôm nay: "áo
cũ" đây
phải chăng là chữ nghĩa của lệ luật, hoàn toàn không hợp với tấm "vải
mới" được Người cung cấp là ý nghĩa đích thực liên quan đến mục đích
chính yếu của lề luật theo những
lời dẫn giải của Người, và "bầu da cũ" đây phải
chăng là
chủ trương và thái độ
duy luật,
hoàn toàn không hợp với và không thể nào chấp nhận thứ "rượu
mới" hay chứa đựng nổi thứ "rượu
mới"
là tinh
thần yêu thương bác ái làm nên chính lệ
luật và
làm trọn lề luật (xem
Roma 13:10).
Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay là câu chuyện về Tiên
Tri Samuel được lệnh Thiên Chúa sai "đi
đến Bêlem" để "xức
dầu" phong
vương cho một người đã được Ngài tuyển chọn thay
cho vị vua đương kim bấy giờ là Saulê mà Ngài "đã
loại bỏ không cho cai trị Israel nữa". Vị vua tương lai thay cho Vua Saulê ấy "là
ai?", Thiên Chúa không tiết lộ cho Tiên Tri Samuel biết khi
sai ông đi đến quê hương
của vị vua này là Bêlem. Để rồi, trong
việc nhận diện vị vua tương lai được Ngài tuyển chọn mới xuất hiện một
tiêu chuẩn liên quan đến ý nghĩa của Bài Phúc Âm hôm nay về lề luật và
thành phần duy luật chỉ vụ hình thức hơn là tinh thần.
Thật vậy, Bài Đọc 1 hôm nay thuật lại rằng: "Khi
(họ) vào nhà, Samuel gặp ngay Êliab và nói: 'Có phải người xức dầu của
Chúa đang ở trước mặt Chúa đây không?' Và Chúa phán cùng Samuel: 'Ðừng
nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo
kiểu con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa
thì nhìn xem tâm hồn'".
Trong
trường hợp này, Thiên Chúa vẫn không chỉ ngay cho
Tiên Tri Samuel đứa con trai nào trong 8 đứa của gia đình vị vua tương
lai, nhưng chỉ dạy cho vị tiên tri ấy biết cái tiêu chuẩn tổng quan chính yếu là "đừng bề ngoài mà
bề trong" của
Ngài. Bởi thế, căn cứ vào tiêu chuẩn ấy, Tiên
Tri Samuel tiếp tục chọn lựa, cho đến
khi ông hỏi bố của 8 người anh em trai rằng:
"'Tất
cả con ông có bấy nhiêu đó phải không?' Isai đáp: 'Còn một đứa út nữa,
nó đi chăn chiên'. Samuel nói với Isai: 'Ông hãy sai người đi gọi nó về,
vì chúng ta không ngồi vào bàn ăn trước khi nó về'. Isai sai người đi
tìm đứa con út. Ðứa út này có mái tóc hoe, có đôi mắt xinh và gương mặt
đẹp. Chúa phán: 'Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó'.
Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần
Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi. Còn Samuel đứng dậy trở về Rama".
Phải, chỉ ở trường hợp phong vương cho vị vua thứ
hai là Đavít này mới có chuyện: "Thánh
Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi", còn trong
trường hợp phong vương cho Saule
là vị vua đầu tiên của dân Do Thái cũng là vị vua bị
Thiên Chúa loại trừ chỉ được Thánh Kinh trong Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn Thứ
Bảy tuần trước thuật lại như sau: "Samuel
lấy bình dầu đổ trên đầu Saolê, rồi hôn anh và nói rằng: 'Ðây Thiên Chúa
xức dầu phong anh làm vua thống trị cơ nghiệp của Người, và anh sẽ cứu
dân Người thoát khỏi kẻ thù ở chung quanh'".
Phải chăng chính vì "Thánh
Thần Chúa ngự trong Ðavít từ ngày đó trở đi" mà những gì vị vua này làm đều đúng ý Thiên Chúa,
cho dù là điều vua không được phép làm như vụ vua và đoàn tùy tùng
dám ăn thứ bánh
tiến mà chỉ có vị thượng tế mới được ăn, một vụ việc bề
ngoài có tính cách gương mù và bê bối sai quấy lộng hành này lại đã được
chính Chúa Giêsu trích dẫn để minh chứng rằng: "Ngày
Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho
nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".
Bài Đáp Ca hôm nay rõ ràng là liên quan đến bản
thân của Vua Đavít, liên quan đến việc vua được tuyển chọn (câu 1) và
Thiên Chúa ở cùng vua (câu 2),
một vị vua là tiền thân báo trước một Vị Vua của các
Vua, vị vua bất diệt (câu
3) là "Người
Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý":
1) Xưa
trong cuộc thị kiến, Chúa đã phán cùng bầy tôi Chúa: "Ta đội mão triều
thiên cho vị anh hùng, Ta cất nhắc người được kén chọn tự trong dân.
2) Ta
đã gặp Ðavít là tôi tớ của Ta. Ta đã xức dầu thánh của Ta cho người, để
tay Ta bang trợ người luôn mãi, và cánh tay Ta củng cố thân danh người.
3) Chính
người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha tôi, là Thiên Chúa và Tảng Ðá cứu độ
của tôi". Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở
trần gian.
Đaminh Maria
Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
Ngày 21: Thánh Anê, đồng trinh tử đạo (290-304)
Căn cứ vào sử liệu, chúng ta chỉ có thể phác họa được một vài nét chấm
phá về thánh nữ: Thuộc dòng dõi quý tộc, chịu chết vì đạo khi lên 13
tuổi, năm 304 dưới thời hoàng đế Ðiôclêtianô. Cuộc sống đầy can đảm của
thánh nữ được gói ghém qua hai truyền thống sau đây:
Trong cuốn "Ðời sống các trinh nữ", thánh Ambrôsiô đã cho chúng ta biết:
mặc dù chỉ là một cô bé thuộc lứa tuổi thiên thần, thánh nữ không bao
giờ run sợ mà trái lại sẵn sàng lãnh chịu mọi cực hình dã man của bọn
người khát máu. Với thân hình mảnh mai, với vẻ mặt ngây thơ, thánh nữ
tiến ra pháp trường, khiến cho những kẻ ghét đạo cũng phải bùi ngùi
thương cảm. Trước những lời dụ dỗ và ngăn cấm của quan tòa, cô bé Anê
lúc nào cũng lẩm bẩm: "Tôi chỉ tin một Ðức Kitô, Ðấng tôi hằng yêu mến",
để rồi một lưỡi gươm đã kết thúc cuộc đời thánh nữ, như của lễ trong
sạch dâng lên Chúa.
Qua những văn kiện của Giáo Hội Ðông Phương, chúng ta còn biết thêm rằng
thánh nữ sinh quán tại La Mã. Mới mười hai tuổi đầu, cô bé đã mạnh dạn
rao giảng Ðức Kitô là Thiên Chúa, vì thế ông đô trưởng bắt cô bé bỏ vào
lầu xanh cốt làm hoen ố tâm hồn và thể xác. Tuy nhiên thánh nữ lúc nào
cũng là một đóa sen, tỏa hương thơm giữa bùn nhơ, không một chàng trai
nào dám đụng chạm tới thánh nữ. Trước sự căm phẫn của đám đông tàn bạo,
ông đô trưởng đã ra lệnh thiêu sống thánh nữ.
Mặc dù hai bản khác nhau về chi tiết, nhưng cũng đủ tạo nên một cái nhìn
tổng quát. Hài cốt thánh nữ được an táng tại biệt thự của gia đình. Năm
321, công chúa của hoàng đế Constantin được thánh nữ chữa khỏi bệnh, đã
xây trên phần mộ một thánh đường nguy nga. Thánh Ambrôsiô đã viết về
ngài: Hôm nay là ngày sinh của một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương
khiết tịnh. Hôm nay là ngày sinh của một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng
lên như lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa.
|